Author: Tran Tien

Oyama – Ngọn linh sơn

Cuối cùng thì những ngày mưa bão của một năm đã kết thúc, trả lại cho Nhật Bản bầu trời xanh màu thiên thanh ngày thu. Mùa thu, mùa cây thay màu lá. Nếu bạn sẽ và đang ở Nhật những ngày này, chắc hẳn sẽ không bỏ lỡ dịp ghi dấu cho một mùa lá đỏ. Và nếu bạn còn chưa biết phải ghé nơi nào, thì Oyama là một sự lựa chọn không thể bỏ qua.

Oyama đang biến màu đổi sắc khi mùa Thu đến

Oyama đang biến màu đổi sắc khi mùa Thu đến

Oyama (大山 – Đại Sơn) là một ngọn núi tú lệ cao 1234m ở thành phố Isehara tỉnh Kanagawa bên cạnh Tokyo. Oyama không phải là một ngọn núi quá lớn so với những ngọn núi khác, nhưng bởi vì vị trí ở gần biển, từ ngàn xưa, Oyama đã trở thành ngọn hải đăng của ngư dân Sagami. Cũng bởi vì gần biển, gió từ biển thổi vào đất liền bị chắn bởi Oyama tạo thành mây mưa quanh năm, nên nó còn có một tên gọi khác là Vũ Giáng Sơn (雨降山). Vì vậy, bất tri bất giác, Oyama đã trở thành ngọn núi hùng vĩ trong tâm thức người dân vùng này từ ngàn xưa. Mà quanh năm mây mù lượn lờ trên đỉnh càng làm tăng thêm sự linh thiêng huyền bí của ngọn núi này. Có lẽ từ hơn hai ngàn năm trước, tín ngưỡng với thần núi ở đây đã bắt đầu, mà sự cổ xưa của nó có thể hình dung qua một mối quan hệ trong truyền thuyết: Thần núi ở Oyama chính là phụ thân của thần núi ở ngọn Phú Sĩ!

Vào giữa thời kỳ Nara, có một vị cao tăng tên là Ryoben (良辨 – Lương Biện), ông là người khai mở và là trụ trì ngôi chùa Đông Đại Tự (tiền thân là Kim Chung Tự) nổi tiếng ở Nara. Ryoben vốn được sinh ra ở Sagami. Năm 755, trong một lần về thăm cha mẹ, khi leo lên đỉnh Oyama, Ryoben nhìn thấy hào quang ngũ sắc phóng ra từ mặt đất, nên ông đã đào nơi đó lên và tìm thấy một pho tượng Bất Động Minh Vương. Bất Động Minh Vương được cho là hóa thân của Đại Nhật Như Lai, trong Phật giáo Nhật Bản, Bất Động Minh Vương được xem như một vị hộ pháp.

Tối hôm đó, Ryoben được Bất Động Minh Vương báo mộng rằng ngọn núi này là tịnh thổ của đức Di Lặc Bồ Tát để thủ hộ Phật pháp, làm lợi cho chúng sinh. Sau khi trở về, Ryoben liền xin phép Thiên Hoàng khi đó là Thánh Vũ Thiên Hoàng cho mình được rời Đông Đại Tự, đến Oyama tu hành. Trong ba năm, Ryoben và những người thợ đã dựng nên một ngôi chùa trên ngọn núi này. Từ đó, cái tên “núi Vũ Giáng, chùa Đại Sơn” được lưu hành rộng khắp.

Đại Sơn Tự ở lưng chừng núi

Đại Sơn Tự ở lưng chừng núi

Cùng với sự linh thiêng của nó, nhiều vị cao tăng các đời đã về đây tu học và trụ trì, khiến cho Đại Sơn Tự trở thành một ngôi chùa đặc biệt mà chỉ hơn một trăm năm kể từ ngày khai tự đã kiêm gộp cả ba hệ phái trong Phật giáo Nhật Bản là Hoa Nghiêm, Chân Tông và Thiên Đài. Trong suốt hơn 1300 năm lịch sử, Đại Sơn Tự là một ngôi chùa nhận được sự kính trọng từ nhiều mạc phủ mà có lẽ nhân vật nổi tiếng nhất trong số đó là Tokugawa Ieyasu.

Trong cuộc hành hương trên ngọn núi thiêng này, du khách sẽ theo dấu rừng cây ngả màu từ xanh sang nâu, đến vàng, để rồi cuối cùng khi bước vào khuôn viên chùa, đập vào mắt là một vùng trời rợp lá đỏ. Đôi hàng tượng Phật hai bên hàng trăm bậc thang như đang râm ran lời chúc tụng mừng kẻ hành hương đã đặt chân đến nơi linh sơn đất Phật. Giây phút đó, người ta một lần nữa cảm nhận chân thật sự hùng vĩ và trang nghiêm của tòa Đại Sơn này. Và trong chánh điện của chùa, bản tôn Phật tượng Bất Động Minh Vương và hai đồng tử cổ xưa được tạc từ thế kỷ thứ 13 đang chờ đợi lắng nghe những nguyện cầu của khách thập phương. Oyama-dera (大山寺 – Đại Sơn Tự), vì lẽ đó được gọi là một trong “Tam Đại Bất Động” vùng Kanto, từ sớm đã trở thành một di sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản.

Rời Đại Sơn Tự ở lưng chừng núi, tiếp tục tiến về phía đỉnh, du khách sẽ gặp được đền Oyama-afuri, nơi thờ bái thần núi trong tín ngưỡng cổ xưa. Sư Ryoben khi khai mở ngôi chùa trên núi này đã dung hợp cả tín ngưỡng Thần đạo vào Phật giáo để lưu giữ văn hóa và sự linh thiêng của ngọn núi này.

Đường lên đền Oyama-afuri

Đường lên đền Oyama-afuri rực rỡ sắc đỏ vào Thu

Từ Đại Sơn Tự hay Oyama-afuri, bạn đều có thể phóng tầm mắt của mình ra xa để nhìn thấy thành phố dưới chân, và thậm chí là cả Tokyo Sky-tree hay những tòa nhà cao tầng ở Shinjuku. Đây cũng là một địa điểm tuyệt vời để ngắm bình minh hoặc hoàng hôn.

Có hai cách để lên núi. Nếu muốn được hoạt động và hòa mình vào không khí trời thu, bạn có thể đi bộ lên núi. Đường đi thông thoáng, đi lại rất dễ dàng. Hoặc bạn cũng thể sử dụng hệ thống cáp treo. Từ trạm dưới núi đến trạm dừng đầu tiên là Oyama-dera, trạm dừng thứ hai là Oyama-afuri. Thời gian ngắm lá đỏ thích hợp nhất là từ trung tuần đến hạ tuần tháng 11 (từ 15/11 đến cuối tháng).

Với tất cả những đặc điểm đó, Oyama không chỉ là một địa điểm ngắm lá đỏ nổi tiếng trên các bảng xếp hạng của Nhật Bản, mà suốt bốn mùa nó đều mang những màu sắc khác nhau của một ngọn linh sơn huyền bí. Đây hẳn là một nơi khó có thể bỏ qua, đặc biệt là khi bạn đang có những nguyện cầu cho một năm mới sắp đến.

[VIDEO] Japanese for Work – How to Get Permission (Part 1) 許可を得るPrev

[VIDEO] Japanese for Work – How to Get Permission (Part 2) 許可を得るNext

Related post

  1. Khám phá

    TRƯỢT TUYẾT Ở NAGANO PHẦN 2

    Ở 2 bãi trượt tuyết cuối, thì bãi t…

  2. Khám phá

    [5/8] Thử thách lập trình mới!!!

    Các bạn đang chờ đợi những bài toán…

  3. Lets go to fruit garden
  4. Train Etiquette in Japan

    Author: Cao Ngọc Anh

    Quy tắc ứng xử trên tàu điện Nhật Bản

    Nhật Bản là một xã hội nền nếp với …

  5. Tokyo Metropolitan Government Building
  1. Tabemono Series

    ODEN – LINH HỒN MÙA ĐÔNG CỦA NHẬT
  2. Cuộc Sống

    TẾT Ở NHẬT BẢN (PHẦN 2)
  3. Author: Cao Ngọc Anh

    8 loại debit/ credit card Nhật Bản dễ đư…
  4. Khám phá

    Sự kiện “Đóng góp bài toán lập trì…
  5. Học tiếng Nhật

    [VIDEO] Japanese for Work – Make a…
PAGE TOP